Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Khoa Công nghệ Điện
Đại học Công nghiệp TP.HCM
Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Khoa Công nghệ Điện
Kiến tập - Tham quan
Chủ đề năm học
Chương trình trao đổi sinh viên giữa IUH và TUT - Hành trình khó quên của sinh viên khoa Công nghệ Điện tại Nhật Bản
12-10-2024

Tối ngày 12/10/2024, đoàn chúng tôi tập trung tại sân bay Tân Sơn Nhất để bắt đầu chuyến đi tới Nhật Bản đầy mong đợi và hào hứng. May mắn trong chuyến đi lần này là chúng tôi được GS.TS. Kenji Hara từ trường TUT đi cùng, nên mọi việc đều thuận lợi và suôn sẻ.

Sáu tiếng trên máy bay, tôi không thể nào ngủ được vì những hình ảnh tại Nhật Bản mà chúng tôi đã tưởng tượng và mong ước được đặt chân đến đang dần trở thành hiện thực. Khi đặt chân xuống chuyến bay VN300 và hoàn tất nhập cảnh, chúng tôi được đón bởi 1 bạn sinh viên TUT và 1 anh là cựu sinh viên IUH đang thực tập tại Nhật.

 

Hình 1: Sinh viên IUH tại sân bay Narita

 

Ngay sau đó chúng tôi đã đi tới ga tàu điện để di chuyển về ký túc xá nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.

Buổi sáng của ngày đầu tiên, chúng tôi được nghe GS.TS. Egashira thuyết giảng về SDGs và cách người Nhật hướng đến phát triển bền vững. Những con số khô khan trở nên sống động qua các câu chuyện về biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội.

Sau bài giảng của giáo sư, đoàn chúng tôi có cơ hội tham quan xung quanh ngôi trường rộng lớn này. Thật tuyệt vời, hôm đó tại trường TUT có tổ chức lễ hội của sinh viên, tại đây có các buổi diễn âm nhạc và các gian hàng ẩm thực.

 

Hình 2. Gian hàng bán bánh Takozaki của các bạn sinh viên TUT

 

Từ lễ hội trường, chúng tôi đến JAXA – trung tâm không gian hiện đại và đặc biệt. Các thiết bị tiên tiến, và không gian rộng mở tạo nên một ấn tượng mạnh cho chúng tôi khi thấy những mô hình thiết bị vũ trụ.

 

Hình 3. Không gian trong phòng trưng bày mô hình và các vệ tinh trong vũ trụ

 

Ngày thứ hai, chúng tôi được tham quan công ty Techlab. Đây là công ty, phòng nghiên cứu chuyên nghiên cứu và phát triển sản phẩm về Nhựa gia cố bằng sợi carbon (Carbon Fiber Reinforced Plastics – CFRP).

Sau chuyến đi đến công ty Techlab, vào buổi chiều cả đoàn được di chuyển bằng xe buýt đến trụ sở chính của công ty Sankosha nằm ở phía tây Tokyo, Nhật Bản.

 

Hình 4. Bên trong nhà máy sản xuất Sankosha

 

Hình 5. Mô hình hấp và làm phẳng áo tự động

 

Buổi sáng ngày thứ 3, các thành viên IUH chúng tôi tham gia buổi thuyết giảng đặc biệt của GS.TS. Yutaka Kagawa - Chủ tịch TUT. Buổi thuyết trình về “How to control the life - What is the microwave?”. Buổi học được đích thân GS.TS. Yutaka Kagawa biên soạn và trình bày, cung cấp thông tin về ảnh hưởng xấu của vi sóng tới cơ thể con người và các cách để giảm thiểu tác hại nhờ vào việc phát triển các loại vật liệu mới.

Hình 6. Buổi thuyết giảng của GS.TS. Yutaka Kagawa

 

Hình 7. Sinh viên IUH cùng trao đổi vấn đề với GS. TS. Yutaka Kagawa

 

Sau đó đoàn tham quan cơ sở R&D tại Trung tâm CMC – nơi có các cơ sở thực hành và nghiên cứu nổi bật của trường. Đây là cơ hội để sinh viên tìm hiểu cách Nhật Bản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

 

Hình 8. Sinh viên IUH trải nghiệm mô hình Robot tự động tương tác

 

Vào ngày thứ tư, chúng tôi đã có một ngày trải nghiệm đáng nhớ tại Tokyo. Buổi sáng, đoàn tham quan công ty Tobe Shoji, một công ty tái chế lớn, và tìm hiểu về các hoạt động tái chế và quản lý tài nguyên của họ.

Buổi chiều, chúng tôi thăm chùa Sensoji, ngôi chùa cổ nhất Tokyo, nơi chúng tôi trải nghiệm văn hóa Nhật Bản thông qua các quầy hàng lưu niệm và hoạt động xin bùa may mắn. Tiếp đó, đoàn được giáo sư Hara dẫn đến bảo tàng Miraican khám phá các mô hình khoa học thú vị. Buổi tối, chúng tôi tới Odaiba ngắm mô hình robot Gundam và thưởng thức ẩm thực Nhật, rồi tới Shibuya chụp ảnh cùng tượng Hachiko và mua sắm tại Mega Donkihote.

 

Hình 9. Bên trong phân xưởng của công ty Tobe Shoji

 

Hình 10. Cổng chùa Sensoji tại Taito city, Tokyo

 

Chuyến đi ngày hôm đó khép lại với nhiều kỷ niệm tuyệt vời về Tokyo hiện đại, sôi động và giàu văn hóa.

Ngày thứ năm, ngày cuối cùng trong chuyến đi này, chúng tôi tham gia buổi giảng đặc biệt của Tiến sĩ Iritani, học hỏi về các nghiên cứu khoa học từ sinh viên TUT và có cơ hội thực hành trong phòng thí nghiệm.

 

Hình 11. Thực hành thí nghiệm các mẫu thử về nội dung nghiên cứu

 

Sau giờ ăn trưa, đoàn đến Triển lãm Maglev tỉnh Yamanashi để tìm hiểu về công nghệ tàu siêu tốc Maglev với tốc độ 500 km/h, trải nghiệm độc đáo về giao thông tương lai. Cuối ngày, TUT tổ chức buổi tiệc tối, tạo cơ hội giao lưu và kết nối văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai trường, để lại nhiều kỷ niệm ý nghĩa cho chuyến đi.

 

Hình 12. Mô hình một phần của tàu Shikansen

 

Đặc biệt, sáng ngày 8-11 vừa qua Trưởng khoa Công Nghệ Điện - Thầy TS. Trần Thanh Ngọc đã tham gia lễ ký kết giữa IUH và TUT (Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản); Thành lập văn phòng Việt – Nhật IUH – TUT. Đến tham dự buổi lễ, về phía TUT có GS.TS. Yutaka Kagawa, Chủ tịch nhà trường và các giáo sư bên trường TUT. Văn phòng sẽ là đại diện của hai trường để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển trong tương lai.


 

 

Chuyến đi này đã mang đến cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên, đồng thời tạo nên sự gắn kết sâu sắc hơn với các giáo sư và bạn bè sinh viên từ trường TUT. Cảm ơn Nhà trường đã dành cho chúng tôi một trải nghiệm vô cùng bổ ích và ý nghĩa. Tôi mong rằng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh,  Khoa Công nghệ Điện sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hợp tác quý báu như thế này, giúp các bạn sinh viên có thể mở rộng trải nghiệm, nâng cao kiến thức và phát triển bản thân thông qua những dự án nghiên cứu khoa học đa quốc gia đầy ý nghĩa.

 

Đơn vị liên kết